Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

Ninh Thuận sẽ trở thành những rừng trôm xanh rì đem lại hiệu quả kinh tế cao


Thôn Phước Lập, xã Phước Nam (Ninh Phước - Ninh Thuận) vốn là vùng “chảo lửa” khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên cuộc sống của đồng bào Chăm nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi bà con đưa cây trôm vào sản xuất thì Phước Lập đã thực sự đổi đời.
Nếu Ninh Thuận được ví là sa mạc của Việt Nam, thì thôn Phước Lập được xem là “chảo lửa” của tỉnh này. Bao quanh vùng đất khô cằn trên vùng núi Hòn Bà hiện có trên 1.000 hộ dân sinh sống. Mấy chục năm qua, những hộ dân ở đây phải cam chịu cuộc sống vất vả, vì việc sản xuất chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa khan hiếm, mùa màng thất bát là chuyện thường. Không còn kế sinh nhai, cuộc sống của bà con chỉ trông đợi vào rừng.

Tôi đến vùng núi đá Hòn Bà và thật bất ngờ trước sự đổi thay. Cách đây hơn 5 năm, nơi đây được coi là vùng đất “chết” khi nguồn nước thiếu trầm trọng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Giờ đây, một phần diện tích đã được phủ xanh bởi những vườn trôm. Thực ra, vùng núi này trước đây cũng có cây trôm, nhưng do thiếu hiểu biết về thu hoạch mủ và cũng để giải quyết yêu cầu lương thực cấp bách trong mùa giáp hạt nên bà con đã khai thác tận diệt bằng cách vạt vỏ khi cây chưa trưởng thành hoặc đốt luôn cây để thu mủ..., nên cây trôm dần biến mất và hậu quả để lại là núi đá trơ trụi.

Năm 2000, Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển huyện Ninh Phước hoàn thiện kết quả khảo sát việc tìm ra nguồn “biệt dược” để phủ xanh núi đá và triển khai thí điểm mô hình trồng cây trôm, với phương châm cán bộ bám sát dân để hướng dẫn cách chăm sóc và khai thác mủ trôm một cách khoa học, nhằm cải thiện đời sống nông dân nhưng vẫn giữ được màu xanh, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất để trồng bắp, sắn. Từ một vài hecta ban đầu, đến nay trên vùng núi đá Hòn Bà, nông dân đã trồng được hơn 60ha trôm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Châu Hội, ở thôn Phước Lập bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình tôi chủ yếu dựa vào rừng nghèo, nên không thoát nghèo được. Năm 2000, được Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước vận động, đăng ký trồng thí điểm cây trôm. Ban đầu, tôi trồng 3 ha với hơn 1.200 cây. Qua chăm sóc, thấy trôm thích nghi với vùng núi đá, nên năm 2005 tôi trồng thêm 2ha”.

Dấu ấn đổi đời đến với gia đình ông Châu Hội bắt đầu từ tháng 11/2007, khi ông thu hoạch mủ trôm lần đầu tiên theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Vụ đó ông khai thác và bán gần 1 tấn mủ trôm với giá 100.000 - 170.000 đồng/kg, thu được trên 100 triệu đồng, ông đã xây nhà khang trang, mua vài con bò. Thấy vậy, nhiều nông dân ở địa phương cũng chuyển đổi diện tích đất trồng bắp, đậu ván trước kia sang trồng trôm. Điển hình như gia đình anh Thiên Văn Song, có 2,5ha đất trồng bắp và đậu ván hiệu quả kinh tế thấp, năm 2005 chuyển sang trồng 1.800 cây trôm. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay vườn trôm của anh đã cao hơn đầu người, hứa hẹn cho mùa bội thu trong những năm tới. Ông Châu Hội cho biết thêm, từ khi được hướng dẫn quy trình chăm sóc, biết được thời điểm khai thác mủ trôm tốt nhất là vào tháng 6. Đặc biệt, cây trôm lớn càng cho lượng mủ nhiều hơn, bình quân 2,5kg – 4kg hoặc hơn nữa khi cây sau 10 năm tuổi. Sau 5 năm nữa, nếu khai thác hết 5ha, gia đình ông sẽ thu 300 – 350 triệu đồng/năm.

Bên cạnh niềm vui đổi đời của nhiều nông dân ở núi Hòn Bà, vui hơn vẫn là đội ngũ cán bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước, vì họ đã dành tâm huyết của mình trong việc làm thay đổi một vùng đất “chết”. Anh Vạn Văn Lắng, (người Chăm), cán bộ kỹ thuật của đơn vị phấn khởi nói: “Kết quả hiện nay chỉ là bước đầu đánh dấu hiệu quả của mô hình, để tỉnh có cơ sở phát triển rừng trôm trên diện rộng, nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đồng thời mang lại thu nhập cao cho người dân”.

Đứng trước rừng trôm, cái cảnh khô khốc, gió thổi mang theo luồng khí nóng rát da người mấy chục năm trước không còn nữa. Hy vọng một ngày không xa, không chỉ thôn Phước Lập mà những vùng đất khô cằn khác ở Ninh Thuận sẽ trở thành những rừng trôm xanh rì, mang lại niềm vui mới cho người dân.

Trôm hôi, cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Tuy Phong


Nằm trong chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, Bộ NN-PTNT đã chọn Tuy Phong và Bắc Bình là 2 huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình trồng rừng trôm.
Đặc tính cây trôm là cây chịu được khí hậu khắc nghiệt, trồng trên đất rừng vừa khai thác tiềm năng đất đai, cải tạo môi trường sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn triển khai trồng. Bước đầu đã có 12 hộ đăng ký tham gia trồng 12,25 ha. Trong đó Vĩnh Hảo 6 hộ nhận trồng 9,87 ha, Phong Phú 6 hộ trồng 12,25 ha, với mật độ trồng 800 cây/ha. Cây trôm được Bộ NN-PTNT hỗ trợ 60% về cây giống và 40% về phân bón. Cây trôm bắt đầu trồng tháng 9/2005 đến nay được 6 tháng tuổi, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.
Trước đó tại Vĩnh Hảo đã có nhiều hộ nông dân tìm tòi mang về trồng tự phát hàng chục ha, anh Tình Tiện-người đầu tiên mang cây trôm về trồng trên đất Vĩnh Hảo, kế đó là anh Ung Văn Chín đã trồng 4 ha. Trong đó có 3 ha trồng gần 5 năm và đã bắt đầu cho gôm (mủ trôm).
Cây trôm nếu được chăm sóc tốt, từ 5 đến 7 năm cây trôm sẽ thu hoạch quanh năm, cách 1 tuần thu hoạch gôm 1 lần. Theo ông Ung Văn Chín, 1 cây mỗi lần thu hoạch trên 1 lạng gôm. Với 3 ha mỗi năm ông thu gần 50 triệu đồng. Hiện nay Vĩnh Hảo đã có nhiều hộ trồng gần 30 ha rừng trôm.
Cây trôm là cây nhiệt đới có 4 loại: trôm đỏ, trôm hoa nhỏ, trôm Nam bộ và trôm hôi. Trong đó trôm hôi là loại cây có giá trị kinh kế cao vừa là cây thuốc và cũng là cây thực phẩm.
Cây trôm trồng 5 năm bắt đầu cho gôm, gôm là chất ở thể keo do cây tiết ra, hiện nay giá gôm rất cao, mua tận nơi giá 300.000 đồng/kg và giá bán ngoài thị trường 600.000 đồng/kg. Một cây trôm trồng sau 7 đến 10 năm có thể thu được 3 đến 4 triệu đồng (chỉ tính gôm).
Cây trôm có thể dùng làm thuốc và thực phẩm ở các bộ phận như: hạt, dầu hạt, cơm hạt, gôm, vỏ cây, lá cây. Gôm dùng làm nước giải khát, ăn mát, giải nhiệt, chống táo bón, vỏ cây trôm lợi tiểu, sắc uống chữa phong thấp, lá trôm sắc uống chữa những chỗ phát ban lở loét, các bệnh về da…
Năm 2006, huyện Tuy Phong tiếp tục trồng 10 ha theo chỉ tiêu được giao. 22,12 ha rừng trôm vừa trồng sẽ mở ra cho nông dân một hướng phát triển kinh tế mới. Với những ưu thế về giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, trong tương lai cây trôm sẽ là cây trồng hiệu quả và là cây xóa đói giảm nghèo trên vùng đất khô hạn của Tuy Phong.

Sterculia Foetida



Trôm
Trôm, trôm hôi - Sterculia foetida L., thuộc họ Trôm- Sterculiaceae.
Mô tả: Cây gỗ lớn, thân thẳng, hình trụ, cành mọc khoẻ. Lá kép chân vịt do 5-9 lá chét có cuống, không lông, dài đến 30cm, thường rụng vào tháng 3. Chuỳ hoa xuất hiện một lượt với lá, có mùi thối. Hoa tạp tính; đài đỏ ở trong, không lông, cuống nhị mang 12-15 bao phấn; cuống nhuỵ mang 5 lá noãn. Quả gồm 1-5 quả đại, dài 9cm, vách dày, đỏ. Hạt 10-15, màu đen bóng, dài 18-20cm.
Bộ phận dùng: Hạt, vỏ cây và lá - Semen, Cortex et Folium Sterculiae Foetidae, Dầu hạt, nhựa mủ cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc hoang và cũng được trồng làm cây bóng mát ở đường phố, vườn hoa. Thu hái lá và vỏ quanh năm, thường dùng tươi. Hạt thu hái ở những quả già vào tháng 12 và tháng 1, dùng chế dầu.
Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu béo có tỷ lệ thay đổi 30,80-51,78%. Hạt cũng giàu protein (21%) và tinh bột (12%).
Tính vị, tác dụng: Dầu hạt màu vàng nhạt, dịu có tác dụng nhuận tràng, lợi trung tiện. Nhựa mủ giải khát. Vỏ cây phát hãn và lợi tiểu. Lá có mùi hôi; có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, nhuận tràng. Nước sắc vỏ quả có chất nhầy làm săn da.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dầu trôm có thể dùng để ăn, nhưng cũng thường dùng để thắp sáng. Bột của hạt ăn được và dùng chế các loại bánh.
Ở Campuchia, thường dùng dầu để rửa mặt và khô dầu được dùng chữa ghẻ ngứa. Nhựa mủ tiết ra từ cây ăn mát. Vỏ cây sắc uống dùng chữa phong thấp, thống phong. Ở Campuchia, người ta dùng vỏ cây để chế thuốc cảm sốt. Lá sắc nước rửa những chỗ phát ban lở loét, các bệnh về da, bệnh về tóc và da đầu, bong gân, các vết cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Trôm đơn
Trôm hoe - Sterculai pexa Pierre, thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.
Mô tả: Cây gỗ cao 6-9m; nhánh non to 1cm। Lá do 7-9 lá chét không cuống, dài 10-20cm, mặt dưới đầy lông hoe; cuống dài 20-55cm; lá kèm 5mm। Cụm hoa là chùm (tới 7 chùm) dài 20cm, có lông hình sao. Hoa tạp tính, hoa đực có 10-12 bao phấn; hoa lưỡng tính có bầu có lông vòi cong, đầu nhuỵ đen, lá noãn 5, mỗi lá noãn chứa 6 noãn.
Có hoa quả tháng 9-11.
Bộ phận dùng: Vỏ thân - Cortex Sterculiae Pexae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Xri Lanca và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở vùng rừng tỉnh An Giang.
Tính vị, tác dụng: Vỏ có tác dụng thư cân hoạt lạc, tán ứ tiêu thũng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt ăn được. Mủ thân có thể uống giải nhiệt.
Còn vỏ cây được sử dụng ở Trung Quốc trị gãy xương.

Nhãn: