Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Dùng trụ gạch, bê-tông, cây sống để trồng tiêu... như cây trôm hôi là một điển hình


Trong khi nhiều vườn tiêu trồng bằng trụ gỗ có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng thì các vườn tiêu được trồng bằng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống vẫn xanh tốt, năng suất tăng lên hằng năm.

Những năm gần đây giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định, có thời điểm như đầu tháng 3-2008 tăng gần 70 nghìn đồng/kg cho nên người dân ở tỉnh Ðác Nông đổ xô vào trồng tiêu, đến nay toàn tỉnh có gần 10 nghìn ha, hằng năm nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ trồng tiêu và mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khá lớn cho tỉnh.

Ðể trồng cây hồ tiêu, trong nhiều năm qua bà con nông dân ở tỉnh Ðác Nông có thói quen sử dụng cây trụ gỗ lấy từ trong rừng về, loại trụ gỗ này dễ mua, thậm chí ở nhiều vùng người dân chặt cây rừng xuống rồi lại dựng lên làm nọc tiêu ngay trên mảnh đất đó. Gần đây, do diện tích cây tiêu tăng nhanh đã làm cho nhiều cánh rừng bị xóa sổ. Song điều đáng buồn là trong quá trình chăm sóc cây tiêu người nông dân đã phát hiện ra tại những vườn tiêu sử dụng trụ gỗ xuất hiện hiện tượng sâu bệnh phát triển khá nhiều, nhất là bệnh vàng lá, bệnh thối rễ, chết chậm, chết nhanh, dịch bệnh làm cây tiêu chết hàng loạt...

Ðến xã Ðác Sin, huyện Ðác R'lấp, lãnh đạo xã cho biết: Khoảng năm 2002 là thời kỳ cao điểm toàn xã có trên dưới 2.000 ha tiêu, nhưng gần đây do dịch bệnh bùng phát làm hàng trăm ha tiêu bị chết dần chết mòn, kéo giảm diện tích xuống mạnh hiện chỉ còn 1.200 ha tiêu, năng suất cây tiêu cũng giảm đáng kể và ngày càng thấp dần vì sâu bệnh.

Anh Nguyễn Tiến Hùng, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Ðác Sin có sáu ha tiêu, nhưng đến nay tiêu đã chết gần hết vì bệnh thối rễ và cây tiêu đang được thế chỗ bằng cây cà-phê, cao-su.

Trước tình trạng rừng bị tàn phá và sâu bệnh bùng phát làm cho hàng trăm ha tiêu trồng trên trụ gỗ bị chết hàng loạt, các ngành chức năng của tỉnh Ðác Nông vừa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng nói chung, trường hợp chặt phá rừng lấy cây làm trụ tiêu nói riêng; đồng thời ngành chức năng khuyến khích người nông dân nên sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống để trồng tiêu thay trụ gỗ.

Nhiều người dân nắm bắt tin tức trên báo, đài cũng đã khăn gói về các tỉnh ở đồng bằng, ra tận đảo Phú Quốc học tập kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây sống như vông, keo, trôm, muồng đen; hay xây trụ gạch cao dần hằng năm theo đà phát triển của tiêu như cách làm phổ biến ở Ðồng Nai, Long Thành... để thay thế dần trụ gỗ. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông khi sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống để trồng tiêu, thì cây tiêu phát triển khá tốt chẳng thua kém trụ gỗ, lại ít xảy ra sâu bệnh và tuổi thọ của trụ cũng cao hơn nhiều so với trụ gỗ.

Chính từ những lợi ích trong việc sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống làm trụ tiêu, thời gian qua có khá nhiều hộ nông dân ở tỉnh Ðác Nông đã mạnh dạn đầu tư mua cột bê-tông, gạch để xây trụ hoặc sử dụng các loại cây sống như: lồng mức, muồng cườm, vông, keo dậu, trôm hôi, cây gạo để làm trụ trồng tiêu mang lại hiệu quả thiết thực.

Gia đình anh Hoàng Văn Hanh, ở tổ 5, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa nhận thấy việc trồng tiêu bằng trụ gỗ thường bị nhiễm bệnh, mối mọt và chỉ trồng được vài năm, khi cây tiêu đang trong thời kỳ sung sức nhất thì cây thường bị đổ ngã, cho nên anh đã mạnh dạn chuyển hướng sang đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua hàng trăm cột bê-tông về trồng. Ban đầu thấy việc anh làm ai cũng tỏ ra nghi ngờ, nhưng sau ba năm toàn bộ số trụ tiêu bê-tông của gia đình anh đều phát triển xanh tốt.

Anh Hanh cho biết: Việc sử dụng trụ bê-tông, trụ gạch để trồng tiêu đòi hỏi việc chăm sóc trong thời gian đầu có phần kỳ công hơn dùng trụ gỗ, nhưng bù lại cây tiêu sẽ phát triển bền vững. Ðến nay, vườn tiêu của gia đình anh mới bước sang năm thứ ba, nhưng đã cho thu hoạch được trên ba tấn tiêu khô, với giá bán hơn 50.000 đồng/kg thì trong năm đầu thu hoạch gia đình anh đã thu hồi số vốn đầu tư ban đầu.

Hay như gia đình anh Hoàng Minh Từ, anh Nguyễn Văn Phương, ở tổ 5, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa đã trồng tiêu trên trụ gạch từ năm 2002 đến nay, cho năng suất chẳng thua kém gì tiêu trồng bằng trụ gỗ của các hộ lân cận, trong khi đó nhiều trụ gỗ đã đổ ngã, còn những trụ tiêu bê-tông vẫn xanh tốt.

Kinh nghiệm của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn 1, xã Nâm N'Jang, huyện Ðác Song cũng được nhiều người đến học hỏi. Anh trồng được hơn bốn ha tiêu, ban đầu anh trồng bằng trụ gỗ, sau đó trồng xen cây sống vào đến khoảng năm bảy năm sau, khi trụ gỗ mục nát đổ ngã thì đã có cây sống thay thế. Nhờ đó mà cây tiêu phát triển khá tốt và cho năng suất tương đối cao như năm nay đạt hơn ba tấn/ha.

Không giấu được niềm vui, anh Thành cho biết: Năm nay gia đình anh có khả năng thu hơn 10 tấn tiêu hạt, với giá như hiện nay là 55.000 đồng/kg, thì chắc chắn thu về hơn 550 triệu đồng. Không riêng gì gia đình anh Thành mà hiện tại trong xã Nâm N'Jang còn có khá nhiều hộ thu hoạch được từ 10 đến 15 tấn tiêu/vụ.

Gia đình anh Phạm Ðình Dũng, ở thôn 3 trồng được hơn năm ha tiêu, trong đó có hàng trăm trụ tiêu được trồng trên trụ cây sống. Trước đây, do giá cả bấp bênh cho nên anh không chú trọng đầu tư, vì vậy năng suất và chất lượng hạt tiêu không cao. Rút kinh nghiệm, từ thời điểm cuối vụ tiêu năm ngoái khi giá cả có xu hướng tăng cao, gia đình anh Dũng đã tập trung đầu tư, chăm sóc cho vườn tiêu của mình. Năm nay năng suất của vườn tiêu gia đình anh đạt khoảng 3,5 tấn/ha, tăng cao hơn so với những năm trước đây. Hơn nữa, giá tiêu năm nay đang ở mức cao, cho nên gia đình anh Dũng cũng như những người trồng tiêu ở đây đã trúng lớn.

Ðiều đáng nói là trong khi nhiều vườn tiêu trồng bằng trụ gỗ có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng thì các vườn tiêu được trồng bằng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống vẫn xanh tốt, năng suất tăng lên hằng năm. Do đó, hiện nay nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông đang đầu tư xây trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống để trồng tiêu.

Có thể nói, trước tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề và tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc sử dụng các loại trụ gạch, trụ bê-tông, cây sống để trồng tiêu là một hướng giải quyết hợp lý, đúng đắn và cần khuyến khích nhân rộng. Bởi khi sử dụng các loại trụ này không những cây tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao, hạn chế dịch bệnh mà còn giảm thiểu được tình trạng phá rừng, bảo vệ môi trường và kéo dài tuổi thọ của trụ tiêu.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Có người nhận xét trên blog. http://psfvn.blogspot.com/

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ