Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Cây trôm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gửi xe anh bảo vệ hồ chứa nước Sông Trâu, chúng tôi cùng anh Lê Minh Hiền, Phó BQL rừng phòng hộ Sông Trâu ''leo núi'' mất gần một tiếng mới tới được khu rừng trồng của nhà ông Chamalé Đặng thôn Cà Rom, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Thật bất ngờ khi khu rừng trôm của ông Đặng mới 7 năm tuổi mà cây đã lớn đến như vậy trên vùng núi đá khô cằn. Ông Chamalé Đặng kể: Trước đây tôi sống bằng nghề đi rừng khai thác lâm sản trái phép, thấy bà con lấy nhựa từ một loài cây sống trên rừng về bán tôi bắt chước làm theo. Bán được với giá cao, năm 1999, tôi lấy một ít hạt về trồng thử lúc đầu chỉ vài trăm cây trồng xen với cây điều trên vùng núi đá. Không chăm sóc nhiều mà cây phát triển mạnh, không bị chết vào mùa khô nên tôi trồng tiếp các năm sau đó, đến nay diện tích cây trôm của tôi đã có 6ha. Sau 5 năm trồng, năm 2003, ông Đặng bắt đầu khai thác mủ trôm bằng cách đẽo vỏ cho cây tiết ra nhựa (gọi là mủ). Hiện với 500 cây ban đầu mỗi tuần ông khai thác 2 lần được khoảng 1kg mủ, các tư thương đến tận nơi mua với giá 200-250.000 đ/kg, có lúc khan hiếm giá 1kg mủ trôm trên 300.000 đồng.

Có tiền bán từ mủ cây trôm ông Đặng mua gạo, mua đồ ăn về sinh hoạt và mua được 3 con bò. Vậy là từ một người chỉ có hai bàn tay trắng chuyên phá rừng kiếm sống, nay ông Đặng lại là người trồng rừng và đã thoát nghèo từ rừng. Ông tâm sự: Hiện nay nguyện vọng của tôi là muốn trồng nhiều rừng bằng cây trôm. Ngoài giá trị lấy mủ, cây trôm còn là loại cây thân gỗ rất to, gỗ không bị mối mọt, khoảng 20 năm thì cho khai thác. Từ giá trị của cây trôm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Trâu đã trồng được 102ha trôm và 5.000 cây phân tán, hỗ trợ 7.700 cây trôm cho người dân tự trồng, toàn bộ diện tích này đã giao cho người dân chăm sóc khi khai thác thì được hưởng.

BQL rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước có diện tích rừng ở vùng khí hậu khô hạn nhất nước, trong những năm qua đã trồng được hàng ngàn ha cây neem trên vùng cát ven biển. Tuy nhiên còn rất nhiều diện tích đất trồng trên vùng núi đá khô cằn, việc cây trôm thích hợp trên núi đá không những phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng. Ông Phạm Thiều, Giám đốc BQL rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước cho biết: Cây trôm là loài cây đa mục đích, rất phù hợp trên vùng đất núi đá ven biển và là loài cây có giá trị kinh tế cao. Do cây có đặc tính ưa ánh sáng, mọc nhanh cỏ chu kỳ sinh trưởng ngắn, đặc biệt thích hợp đối với vùng có chế độ khí hậu khô hạn với đặc trưng là mùa khô kéo dài 8- 9 tháng. Để góp phần hạn chế và tiến tới chặn đứng nguy cơ mất rừng trên núi đá ven biển ninh Thuận thì chỉ có cây trôm là làm được điều này và khí hậu càng khô hạn thì mủ của cây trôm càng tốt. Chính vì vậy trong những năm qua, BQL đã trồng nhiều mô hình thử nghiệm thành công trên núi đá, từ đó triển khai trồng cây trôm trên diện rộng và được gần 100ha trôm. Ông Dương Đình Sơn, Chi cục phó Chi cục Phát triển lâm nghiệp Ninh Thuận cho biết: Hiện nay người dân khai thác mủ trôm theo lối cổ xưa tức là đẽo gốc cho nhựa tiết ra, làm như vậy cây chỉ cho mủ được 5- 7 năm là bị chết, chính vì kiểu khai thác này mà cây trôm trong tự nhiên trên núi đá đã bị tận diệt. Chúng tôi đã thử bấm đầu chồi bọc nilon nhưng chúng cũng không ra nhựa. Chính vì vậy việc tìm ra một phương pháp khai thác đảm bảo kỹ thuật lúc này hết sức cần thiết.

Ngọc Khanh
Theo Báo NNVN

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Có người nhận xét trên blog. http://psfvn.blogspot.com/

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ