Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

Trôm hôi, cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Tuy Phong


Nằm trong chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, Bộ NN-PTNT đã chọn Tuy Phong và Bắc Bình là 2 huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình trồng rừng trôm.
Đặc tính cây trôm là cây chịu được khí hậu khắc nghiệt, trồng trên đất rừng vừa khai thác tiềm năng đất đai, cải tạo môi trường sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn triển khai trồng. Bước đầu đã có 12 hộ đăng ký tham gia trồng 12,25 ha. Trong đó Vĩnh Hảo 6 hộ nhận trồng 9,87 ha, Phong Phú 6 hộ trồng 12,25 ha, với mật độ trồng 800 cây/ha. Cây trôm được Bộ NN-PTNT hỗ trợ 60% về cây giống và 40% về phân bón. Cây trôm bắt đầu trồng tháng 9/2005 đến nay được 6 tháng tuổi, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.
Trước đó tại Vĩnh Hảo đã có nhiều hộ nông dân tìm tòi mang về trồng tự phát hàng chục ha, anh Tình Tiện-người đầu tiên mang cây trôm về trồng trên đất Vĩnh Hảo, kế đó là anh Ung Văn Chín đã trồng 4 ha. Trong đó có 3 ha trồng gần 5 năm và đã bắt đầu cho gôm (mủ trôm).
Cây trôm nếu được chăm sóc tốt, từ 5 đến 7 năm cây trôm sẽ thu hoạch quanh năm, cách 1 tuần thu hoạch gôm 1 lần. Theo ông Ung Văn Chín, 1 cây mỗi lần thu hoạch trên 1 lạng gôm. Với 3 ha mỗi năm ông thu gần 50 triệu đồng. Hiện nay Vĩnh Hảo đã có nhiều hộ trồng gần 30 ha rừng trôm.
Cây trôm là cây nhiệt đới có 4 loại: trôm đỏ, trôm hoa nhỏ, trôm Nam bộ và trôm hôi. Trong đó trôm hôi là loại cây có giá trị kinh kế cao vừa là cây thuốc và cũng là cây thực phẩm.
Cây trôm trồng 5 năm bắt đầu cho gôm, gôm là chất ở thể keo do cây tiết ra, hiện nay giá gôm rất cao, mua tận nơi giá 300.000 đồng/kg và giá bán ngoài thị trường 600.000 đồng/kg. Một cây trôm trồng sau 7 đến 10 năm có thể thu được 3 đến 4 triệu đồng (chỉ tính gôm).
Cây trôm có thể dùng làm thuốc và thực phẩm ở các bộ phận như: hạt, dầu hạt, cơm hạt, gôm, vỏ cây, lá cây. Gôm dùng làm nước giải khát, ăn mát, giải nhiệt, chống táo bón, vỏ cây trôm lợi tiểu, sắc uống chữa phong thấp, lá trôm sắc uống chữa những chỗ phát ban lở loét, các bệnh về da…
Năm 2006, huyện Tuy Phong tiếp tục trồng 10 ha theo chỉ tiêu được giao. 22,12 ha rừng trôm vừa trồng sẽ mở ra cho nông dân một hướng phát triển kinh tế mới. Với những ưu thế về giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, trong tương lai cây trôm sẽ là cây trồng hiệu quả và là cây xóa đói giảm nghèo trên vùng đất khô hạn của Tuy Phong.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Có người nhận xét trên blog. http://psfvn.blogspot.com/

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ