Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2009

Con đường tôi đi... hoa gạo nở

Em ạ năm nay hè đến muộn
Cây gạo đầu làng trổ đỏ hoa
Ngày xưa em bảo ai vô ý
Đánh động gió xuân rụng mặt trời

Anh nhặt bông hoa để tặng người
Như màu máu đỏ giữa lòng tay
Em bảo loài hoa mang ước nguyện
Cháy cả tuổi xuân nỗi đam mê

Thấm thoát xa quê em tiễn anh
Giữa mùa xuân đỏ rụng đầy đường
Anh thấy mắt em hoe hoe đỏ
Xa nhau em đợi kiếp tình chung

Đã mấy năm rồi nay trở lại
Giữa mùa xuân đỏ rụng mặt trời
Hiu hiu cơn gió trong chiều thắm
Chẳng còn người em đứng đợi anh

Buồn thiu anh ngồi nhặt lại hoa
Chân ai vội bước nát hoa rồi
Còn đâu em gái thuở xuân ấy
Để nhặt cùng anh rực mùa hoa.
Bài : Mùa Hoa Gạo

****


Em hồn nhiên đi qua sân tháng ba
Rầu rĩ cành mưa rụng cơn hoa đỏ
Vòng tay và nụ hôn anh đã thành câu chuyện cổ
Cái khạo khờ trên mái một lằn đao.

Bóng thời gian vằn trong mắt xanh xao
Chiều cứ về xám ngắt
Nỗi nhớ không còn neo quá chặt
Buông hững hờ chờ sóng cuốn bờ xa

Tương tư...
Em mang hương tháng ba
Nương gió lạc nơi nào ngut ngút
Anh đi tìm bước chân giờ đã mệt
Gom nỗi buồn về quanh quẩn vắt qua tim...
Trái tim một thời lãng du
Một thời sôi lửa
Mùa Gạo về lại khát chốn bình yên

Em vẫn hồn nhiên đi qua sân tháng ba
Mang hương lòng của anh đi lạc mất
Hạnh phúc trên đời chẳng bao giờ có thật
Tháng ba..
Chỉ có nước mắt trời
trên mái cánh hoa rơi...
Bài : Mùa tương tư
Nguồn ttvn.

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Kết quả bước đầu của mô hình khảo nghiệm cây trôm tại Quảng Ngãi

Với mục đích đa dạng hóa sản phẩm lâm nghiệp, cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ đồ gia dụng, thực phẩm, dược phẩm,… Trong năm 2007, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình thực nghiệm cây trôm trên địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với diện tích 1,0 ha nhằm theo dõi khả năng thích nghi, sinh trưởng và phát triển của loại cây này.

Cây trôm là cây gỗ lớn, có tên khoa học Sterculia Foetida L, ở tuổi trưởng thành cao khoảng 20- 30 m, đường kính thân khoảng 60- 70 cm. Gỗ mềm, nhẹ, đặc biệt khi bị tổn thương, thân cây thường ra nhiều mủ. Mủ là giá trị lớn nhất của cây trôm, là loại nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến nước giải khát. Dựa vào đặc điểm này, người ta tiến hành các biện pháp để khai thác mủ. Giá trị mủ trôm hiện nay khoảng 150- 250 ngàn đồng/kg. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, ván dăm, ván sợi...

Thời điểm trồng cây mô hình vào tháng 10 năm 2007. Tiêu chuẩn cây con trồng rừng khoảng 3 tháng tuổi (90 ngày kể từ ngày gieo hạt). Chiều cao cây Hvn: 35- 45 cm. Đường kính cổ rễ Doo: 1- 1,3 cm. Cây con trước khi xuất vườn được cơ quan chuyên môn kiểm tra nghiệm thu theo tiêu chuẩn qui định.

Thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 vừa qua, trên địa bàn huyện Bình Sơn mưa to dài ngày đã làm một số cây trồng bị cuốn trôi, chôn vùi, dập gãy ước khoảng 20% đến nay đã được dặm lại. Hiện tại cây dần ổn định và bắt đầu sinh trưởng phát lá non, tỷ lệ sống đạt 98%.

Hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tập trung chăm sóc mô hình này để theo dõi, xác định tính thích nghi của cây Trôm trên đất Quảng Ngãi.

Lê Anh

Cây trôm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gửi xe anh bảo vệ hồ chứa nước Sông Trâu, chúng tôi cùng anh Lê Minh Hiền, Phó BQL rừng phòng hộ Sông Trâu ''leo núi'' mất gần một tiếng mới tới được khu rừng trồng của nhà ông Chamalé Đặng thôn Cà Rom, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Thật bất ngờ khi khu rừng trôm của ông Đặng mới 7 năm tuổi mà cây đã lớn đến như vậy trên vùng núi đá khô cằn. Ông Chamalé Đặng kể: Trước đây tôi sống bằng nghề đi rừng khai thác lâm sản trái phép, thấy bà con lấy nhựa từ một loài cây sống trên rừng về bán tôi bắt chước làm theo. Bán được với giá cao, năm 1999, tôi lấy một ít hạt về trồng thử lúc đầu chỉ vài trăm cây trồng xen với cây điều trên vùng núi đá. Không chăm sóc nhiều mà cây phát triển mạnh, không bị chết vào mùa khô nên tôi trồng tiếp các năm sau đó, đến nay diện tích cây trôm của tôi đã có 6ha. Sau 5 năm trồng, năm 2003, ông Đặng bắt đầu khai thác mủ trôm bằng cách đẽo vỏ cho cây tiết ra nhựa (gọi là mủ). Hiện với 500 cây ban đầu mỗi tuần ông khai thác 2 lần được khoảng 1kg mủ, các tư thương đến tận nơi mua với giá 200-250.000 đ/kg, có lúc khan hiếm giá 1kg mủ trôm trên 300.000 đồng.

Có tiền bán từ mủ cây trôm ông Đặng mua gạo, mua đồ ăn về sinh hoạt và mua được 3 con bò. Vậy là từ một người chỉ có hai bàn tay trắng chuyên phá rừng kiếm sống, nay ông Đặng lại là người trồng rừng và đã thoát nghèo từ rừng. Ông tâm sự: Hiện nay nguyện vọng của tôi là muốn trồng nhiều rừng bằng cây trôm. Ngoài giá trị lấy mủ, cây trôm còn là loại cây thân gỗ rất to, gỗ không bị mối mọt, khoảng 20 năm thì cho khai thác. Từ giá trị của cây trôm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Trâu đã trồng được 102ha trôm và 5.000 cây phân tán, hỗ trợ 7.700 cây trôm cho người dân tự trồng, toàn bộ diện tích này đã giao cho người dân chăm sóc khi khai thác thì được hưởng.

BQL rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước có diện tích rừng ở vùng khí hậu khô hạn nhất nước, trong những năm qua đã trồng được hàng ngàn ha cây neem trên vùng cát ven biển. Tuy nhiên còn rất nhiều diện tích đất trồng trên vùng núi đá khô cằn, việc cây trôm thích hợp trên núi đá không những phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng. Ông Phạm Thiều, Giám đốc BQL rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước cho biết: Cây trôm là loài cây đa mục đích, rất phù hợp trên vùng đất núi đá ven biển và là loài cây có giá trị kinh tế cao. Do cây có đặc tính ưa ánh sáng, mọc nhanh cỏ chu kỳ sinh trưởng ngắn, đặc biệt thích hợp đối với vùng có chế độ khí hậu khô hạn với đặc trưng là mùa khô kéo dài 8- 9 tháng. Để góp phần hạn chế và tiến tới chặn đứng nguy cơ mất rừng trên núi đá ven biển ninh Thuận thì chỉ có cây trôm là làm được điều này và khí hậu càng khô hạn thì mủ của cây trôm càng tốt. Chính vì vậy trong những năm qua, BQL đã trồng nhiều mô hình thử nghiệm thành công trên núi đá, từ đó triển khai trồng cây trôm trên diện rộng và được gần 100ha trôm. Ông Dương Đình Sơn, Chi cục phó Chi cục Phát triển lâm nghiệp Ninh Thuận cho biết: Hiện nay người dân khai thác mủ trôm theo lối cổ xưa tức là đẽo gốc cho nhựa tiết ra, làm như vậy cây chỉ cho mủ được 5- 7 năm là bị chết, chính vì kiểu khai thác này mà cây trôm trong tự nhiên trên núi đá đã bị tận diệt. Chúng tôi đã thử bấm đầu chồi bọc nilon nhưng chúng cũng không ra nhựa. Chính vì vậy việc tìm ra một phương pháp khai thác đảm bảo kỹ thuật lúc này hết sức cần thiết.

Ngọc Khanh
Theo Báo NNVN

Một số nét cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Trôm

1. Giá trị sử dụng: Trôm là loài cây gỗ lớn sống lâu năm. Gỗ trôm có thể dùng làm bao bì, quan tài, làm bột giáy, ván dăm, ván sợi gỗ. Giá trị kinh tế nhất của cây Trôm là mủ Trôm. Đây là loại nguyên liệu quan trọng dùng trong công nghiệp chế biến nước giải khát

2. Điều kiện sinh sống

2.1 Điều kiện về đất.

Cây Trôm sinh trưởng tốt trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, ẩm, thoát nước tốt. Các loại đất có thành phần cơ giới nặng, thoát nước kém hay đất bí chặt, đất có độ đá lẫn hơn 40% ít thích hợp cho việc trồng Trôm.

2.2 Điều kiện về khí hậu.

*. Sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ trung bình năm từ 24oc - 30oc. Ở nơi có nhiệt độ trung bình tháng từ 20oC Trôm sinh trưởng quanh năm.

*. Lượng mưa trung bình năm từ 600mm trở lên.

*. Độ ẩm không khí trên 70 %.

3. Chọn giống và thu giống.

Thu hái hạt giống trên các cây mẹ có tuổi trên 10 năm, tán cân đối, lá có màu xanh đậm, thân thẳng.

Quả Trôm chín tập trung từng chùm, quả chín rải rác từ tháng 1 đến cuối tháng 2 dương lịch. Chín tương đối tập trung trong tháng 1đến nửa tháng 2 dương lịch.

* Kỷ thuật thu hái:

Khi quả chín màu quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. Chỉ thu hái các quả đã có màu đỏ còn ở trên cây bằng sào . Không được thu hái quả còn xanh.Trong thời gian quả chín phải thường xuyên theo dõi, khi thấy màu quả chuyển từ xanh sang đỏ phải thu hái ngay. Nếu để chậm, quả khô hạt rơi ra ngoài khó thu hoạch.

4. Cây con

Hạt đem ngâm nước ấm hai sôi, ba lạnh trong 12 giờ, ngâm tiếp hạt trong nước lạnh 12 giờ. Sau đó vớt ra để ráo nước và cho vào bao tải ủ. Trong thời gian ủ mỗi ngày rửa chua 1 lần. Sau 3 ngày ủ hạt bắt đầu nứt nanh. Chọn hạt nứt nanh đem gieo vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Chỉ chọn hạt nứt nanh tối đa là 4 ngày kể từ ngày hạt đầu tiên nảy mầm. Cũng có thể dùng hạt đã xử lý gieo trực tiếp vào bầu đất đã chuấn bị sẵn. Bầu đất có vỏ PE kích thước phẳng 13 x18 cm Hạt nứt nanh hay hạt đã qua xử lý đem gieo vào bầu. Khi gieo chú ý cắm nghiêng hạt 45o, đầu nhọn hạt xuống dưới, độ sâu gieo hạt khoảng 1cm. Gieo xong tủ rơm rạ lượng 1kg/ m2 mặt bầu. Sau 3-4 ngày gieo hạt thì dỡ bỏ rơm rạ che tủ ( đối với hạt nút nanh), 6-7 ngày ( đối với hạt qua xử lý), kiểm tra thấy bầu nào không có cây dùng hạt đã ủ nứt nanh dặm lại ngay. Rơm rạ che tủ phải xử lý qua nước vôi trong để tránh sâu bệnh hại.

- Tuổi cây: 3 tháng ( 90 ngày kể từ ngày gieo hạt)

- Cây cao H = 35-45 cm, đường kính cổ rễ D = 1,0- 1,3 cm

- Tỷ lệ D/H = 1/35 - 1/45.

- Cây con trước khi xuất vườn phải được tiến hành nghiệm thu về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn qui định.

5. Kỷ thuật trồng

Cây Trôm trồng thuần loại trên nương rẫy cũ hay đang canh tác

* Xử lý thực bì:

Xử lý thực bì cục bộ theo băng và được bố trí theo đường đồng mức, chiều rộng băng 2 mét.

*. Làm đất:

Sau khi phát dọn thực bì xong tiến hành đào hố theo qui cách 40cm* 40cm*40cm. Khi đào hố phải cho lớp đất mặt qua một bên, đất phía dưới qua một bên. Công tác đào hố phải hoàn thành trước khi trồng 10-15 ngày để có điều kiện kiểm tra qui cách hố trồng. Nơi có điều kiện nên bón lót mỗi hố 1 kg phân chuồng hoai và trộn đều trước khi trồng cây.

Bố trí cự ly trồng cây 4m x 6 m ( Cây cách cây 4 mét, hàng cách hàng 6 mét) hoặc 5 m x 5m ( hàng cách hàng 4 mét, cây cách cây 4 mét )

6. Chăm sóc.

Cuốc cỏ đường kính 1 mét , xới đất sâu 5-10 cm vun gốc cao 10 cm, tấp cỏ vào gốc cây để giữ ẩm. Số lần chăm sóc: 2 lần. Thời gian chăm sóc: đầu mùa khô để kết hợp phòng chống cháy và đầu mùa mưa. Bón thúc 50 gam NPK/ cây kết hợp khi xới cỏ vun gốc khi chăm sóc lần 1.

Phải thường xuyên kiểm tra bảo vệ chống người và gia súc phá hại cây trồng.

Giải khát với Chè thập cẩm - mủ trôm


Vật Liệu:
-400g đường phèn
-1kg nước lả
-2 muổng cafe dầu chuối
-5 trái lười ươi
-1 tai nắm mèo trắng
-2 cộng rông biển đại loan
-1/2 gói hột é (khoảng 3 muổng canh)
-5 miếng mủ trôm hoặc mủ gòn (khoảng 10g)


Cach Làm:
Đường và nước nấu chung cho đường tan để nguội cho dầu chuối vào. Lười ươi ngâm nở bỏ vỏ và hột. Hột é vo sạch ngâm nở rồi để ráo. Rông biển rữa thật sạch rồi ngâm nở cắt khúc vừa ăn. Nấm mèo trắng ngâm nở rữa cho sạch, cắt bỏ chân rồi cắt miếng vừa ăn. Mủ trôm hay mũ gòn rữa thật sạch rồi ngâm nở để ráo. Tất cả trộn đều với nước đường là được.

Ghi Chú:
Mủ trôm hay mủ gòn phải rữa thật sạch, nếu không sẻ bị chua. Các thứ trên có thể thêm bớ để làm các món chè khác như: hột é lười ươi, mủ trôm đường phèn, v.v...

Dùng trụ gạch, bê-tông, cây sống để trồng tiêu... như cây trôm hôi là một điển hình


Trong khi nhiều vườn tiêu trồng bằng trụ gỗ có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng thì các vườn tiêu được trồng bằng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống vẫn xanh tốt, năng suất tăng lên hằng năm.

Những năm gần đây giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định, có thời điểm như đầu tháng 3-2008 tăng gần 70 nghìn đồng/kg cho nên người dân ở tỉnh Ðác Nông đổ xô vào trồng tiêu, đến nay toàn tỉnh có gần 10 nghìn ha, hằng năm nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ trồng tiêu và mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khá lớn cho tỉnh.

Ðể trồng cây hồ tiêu, trong nhiều năm qua bà con nông dân ở tỉnh Ðác Nông có thói quen sử dụng cây trụ gỗ lấy từ trong rừng về, loại trụ gỗ này dễ mua, thậm chí ở nhiều vùng người dân chặt cây rừng xuống rồi lại dựng lên làm nọc tiêu ngay trên mảnh đất đó. Gần đây, do diện tích cây tiêu tăng nhanh đã làm cho nhiều cánh rừng bị xóa sổ. Song điều đáng buồn là trong quá trình chăm sóc cây tiêu người nông dân đã phát hiện ra tại những vườn tiêu sử dụng trụ gỗ xuất hiện hiện tượng sâu bệnh phát triển khá nhiều, nhất là bệnh vàng lá, bệnh thối rễ, chết chậm, chết nhanh, dịch bệnh làm cây tiêu chết hàng loạt...

Ðến xã Ðác Sin, huyện Ðác R'lấp, lãnh đạo xã cho biết: Khoảng năm 2002 là thời kỳ cao điểm toàn xã có trên dưới 2.000 ha tiêu, nhưng gần đây do dịch bệnh bùng phát làm hàng trăm ha tiêu bị chết dần chết mòn, kéo giảm diện tích xuống mạnh hiện chỉ còn 1.200 ha tiêu, năng suất cây tiêu cũng giảm đáng kể và ngày càng thấp dần vì sâu bệnh.

Anh Nguyễn Tiến Hùng, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Ðác Sin có sáu ha tiêu, nhưng đến nay tiêu đã chết gần hết vì bệnh thối rễ và cây tiêu đang được thế chỗ bằng cây cà-phê, cao-su.

Trước tình trạng rừng bị tàn phá và sâu bệnh bùng phát làm cho hàng trăm ha tiêu trồng trên trụ gỗ bị chết hàng loạt, các ngành chức năng của tỉnh Ðác Nông vừa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng nói chung, trường hợp chặt phá rừng lấy cây làm trụ tiêu nói riêng; đồng thời ngành chức năng khuyến khích người nông dân nên sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống để trồng tiêu thay trụ gỗ.

Nhiều người dân nắm bắt tin tức trên báo, đài cũng đã khăn gói về các tỉnh ở đồng bằng, ra tận đảo Phú Quốc học tập kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây sống như vông, keo, trôm, muồng đen; hay xây trụ gạch cao dần hằng năm theo đà phát triển của tiêu như cách làm phổ biến ở Ðồng Nai, Long Thành... để thay thế dần trụ gỗ. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông khi sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống để trồng tiêu, thì cây tiêu phát triển khá tốt chẳng thua kém trụ gỗ, lại ít xảy ra sâu bệnh và tuổi thọ của trụ cũng cao hơn nhiều so với trụ gỗ.

Chính từ những lợi ích trong việc sử dụng trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống làm trụ tiêu, thời gian qua có khá nhiều hộ nông dân ở tỉnh Ðác Nông đã mạnh dạn đầu tư mua cột bê-tông, gạch để xây trụ hoặc sử dụng các loại cây sống như: lồng mức, muồng cườm, vông, keo dậu, trôm hôi, cây gạo để làm trụ trồng tiêu mang lại hiệu quả thiết thực.

Gia đình anh Hoàng Văn Hanh, ở tổ 5, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa nhận thấy việc trồng tiêu bằng trụ gỗ thường bị nhiễm bệnh, mối mọt và chỉ trồng được vài năm, khi cây tiêu đang trong thời kỳ sung sức nhất thì cây thường bị đổ ngã, cho nên anh đã mạnh dạn chuyển hướng sang đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua hàng trăm cột bê-tông về trồng. Ban đầu thấy việc anh làm ai cũng tỏ ra nghi ngờ, nhưng sau ba năm toàn bộ số trụ tiêu bê-tông của gia đình anh đều phát triển xanh tốt.

Anh Hanh cho biết: Việc sử dụng trụ bê-tông, trụ gạch để trồng tiêu đòi hỏi việc chăm sóc trong thời gian đầu có phần kỳ công hơn dùng trụ gỗ, nhưng bù lại cây tiêu sẽ phát triển bền vững. Ðến nay, vườn tiêu của gia đình anh mới bước sang năm thứ ba, nhưng đã cho thu hoạch được trên ba tấn tiêu khô, với giá bán hơn 50.000 đồng/kg thì trong năm đầu thu hoạch gia đình anh đã thu hồi số vốn đầu tư ban đầu.

Hay như gia đình anh Hoàng Minh Từ, anh Nguyễn Văn Phương, ở tổ 5, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa đã trồng tiêu trên trụ gạch từ năm 2002 đến nay, cho năng suất chẳng thua kém gì tiêu trồng bằng trụ gỗ của các hộ lân cận, trong khi đó nhiều trụ gỗ đã đổ ngã, còn những trụ tiêu bê-tông vẫn xanh tốt.

Kinh nghiệm của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn 1, xã Nâm N'Jang, huyện Ðác Song cũng được nhiều người đến học hỏi. Anh trồng được hơn bốn ha tiêu, ban đầu anh trồng bằng trụ gỗ, sau đó trồng xen cây sống vào đến khoảng năm bảy năm sau, khi trụ gỗ mục nát đổ ngã thì đã có cây sống thay thế. Nhờ đó mà cây tiêu phát triển khá tốt và cho năng suất tương đối cao như năm nay đạt hơn ba tấn/ha.

Không giấu được niềm vui, anh Thành cho biết: Năm nay gia đình anh có khả năng thu hơn 10 tấn tiêu hạt, với giá như hiện nay là 55.000 đồng/kg, thì chắc chắn thu về hơn 550 triệu đồng. Không riêng gì gia đình anh Thành mà hiện tại trong xã Nâm N'Jang còn có khá nhiều hộ thu hoạch được từ 10 đến 15 tấn tiêu/vụ.

Gia đình anh Phạm Ðình Dũng, ở thôn 3 trồng được hơn năm ha tiêu, trong đó có hàng trăm trụ tiêu được trồng trên trụ cây sống. Trước đây, do giá cả bấp bênh cho nên anh không chú trọng đầu tư, vì vậy năng suất và chất lượng hạt tiêu không cao. Rút kinh nghiệm, từ thời điểm cuối vụ tiêu năm ngoái khi giá cả có xu hướng tăng cao, gia đình anh Dũng đã tập trung đầu tư, chăm sóc cho vườn tiêu của mình. Năm nay năng suất của vườn tiêu gia đình anh đạt khoảng 3,5 tấn/ha, tăng cao hơn so với những năm trước đây. Hơn nữa, giá tiêu năm nay đang ở mức cao, cho nên gia đình anh Dũng cũng như những người trồng tiêu ở đây đã trúng lớn.

Ðiều đáng nói là trong khi nhiều vườn tiêu trồng bằng trụ gỗ có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng thì các vườn tiêu được trồng bằng trụ gạch, trụ bê-tông hay cây sống vẫn xanh tốt, năng suất tăng lên hằng năm. Do đó, hiện nay nhiều hộ nông dân ở Ðác Nông đang đầu tư xây trụ gạch, trụ bê-tông và cây sống để trồng tiêu.

Có thể nói, trước tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề và tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc sử dụng các loại trụ gạch, trụ bê-tông, cây sống để trồng tiêu là một hướng giải quyết hợp lý, đúng đắn và cần khuyến khích nhân rộng. Bởi khi sử dụng các loại trụ này không những cây tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao, hạn chế dịch bệnh mà còn giảm thiểu được tình trạng phá rừng, bảo vệ môi trường và kéo dài tuổi thọ của trụ tiêu.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2009

Ninh Thuận sẽ trở thành những rừng trôm xanh rì đem lại hiệu quả kinh tế cao


Thôn Phước Lập, xã Phước Nam (Ninh Phước - Ninh Thuận) vốn là vùng “chảo lửa” khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên cuộc sống của đồng bào Chăm nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi bà con đưa cây trôm vào sản xuất thì Phước Lập đã thực sự đổi đời.
Nếu Ninh Thuận được ví là sa mạc của Việt Nam, thì thôn Phước Lập được xem là “chảo lửa” của tỉnh này. Bao quanh vùng đất khô cằn trên vùng núi Hòn Bà hiện có trên 1.000 hộ dân sinh sống. Mấy chục năm qua, những hộ dân ở đây phải cam chịu cuộc sống vất vả, vì việc sản xuất chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa khan hiếm, mùa màng thất bát là chuyện thường. Không còn kế sinh nhai, cuộc sống của bà con chỉ trông đợi vào rừng.

Tôi đến vùng núi đá Hòn Bà và thật bất ngờ trước sự đổi thay. Cách đây hơn 5 năm, nơi đây được coi là vùng đất “chết” khi nguồn nước thiếu trầm trọng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Giờ đây, một phần diện tích đã được phủ xanh bởi những vườn trôm. Thực ra, vùng núi này trước đây cũng có cây trôm, nhưng do thiếu hiểu biết về thu hoạch mủ và cũng để giải quyết yêu cầu lương thực cấp bách trong mùa giáp hạt nên bà con đã khai thác tận diệt bằng cách vạt vỏ khi cây chưa trưởng thành hoặc đốt luôn cây để thu mủ..., nên cây trôm dần biến mất và hậu quả để lại là núi đá trơ trụi.

Năm 2000, Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển huyện Ninh Phước hoàn thiện kết quả khảo sát việc tìm ra nguồn “biệt dược” để phủ xanh núi đá và triển khai thí điểm mô hình trồng cây trôm, với phương châm cán bộ bám sát dân để hướng dẫn cách chăm sóc và khai thác mủ trôm một cách khoa học, nhằm cải thiện đời sống nông dân nhưng vẫn giữ được màu xanh, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất để trồng bắp, sắn. Từ một vài hecta ban đầu, đến nay trên vùng núi đá Hòn Bà, nông dân đã trồng được hơn 60ha trôm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Châu Hội, ở thôn Phước Lập bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình tôi chủ yếu dựa vào rừng nghèo, nên không thoát nghèo được. Năm 2000, được Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước vận động, đăng ký trồng thí điểm cây trôm. Ban đầu, tôi trồng 3 ha với hơn 1.200 cây. Qua chăm sóc, thấy trôm thích nghi với vùng núi đá, nên năm 2005 tôi trồng thêm 2ha”.

Dấu ấn đổi đời đến với gia đình ông Châu Hội bắt đầu từ tháng 11/2007, khi ông thu hoạch mủ trôm lần đầu tiên theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Vụ đó ông khai thác và bán gần 1 tấn mủ trôm với giá 100.000 - 170.000 đồng/kg, thu được trên 100 triệu đồng, ông đã xây nhà khang trang, mua vài con bò. Thấy vậy, nhiều nông dân ở địa phương cũng chuyển đổi diện tích đất trồng bắp, đậu ván trước kia sang trồng trôm. Điển hình như gia đình anh Thiên Văn Song, có 2,5ha đất trồng bắp và đậu ván hiệu quả kinh tế thấp, năm 2005 chuyển sang trồng 1.800 cây trôm. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay vườn trôm của anh đã cao hơn đầu người, hứa hẹn cho mùa bội thu trong những năm tới. Ông Châu Hội cho biết thêm, từ khi được hướng dẫn quy trình chăm sóc, biết được thời điểm khai thác mủ trôm tốt nhất là vào tháng 6. Đặc biệt, cây trôm lớn càng cho lượng mủ nhiều hơn, bình quân 2,5kg – 4kg hoặc hơn nữa khi cây sau 10 năm tuổi. Sau 5 năm nữa, nếu khai thác hết 5ha, gia đình ông sẽ thu 300 – 350 triệu đồng/năm.

Bên cạnh niềm vui đổi đời của nhiều nông dân ở núi Hòn Bà, vui hơn vẫn là đội ngũ cán bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước, vì họ đã dành tâm huyết của mình trong việc làm thay đổi một vùng đất “chết”. Anh Vạn Văn Lắng, (người Chăm), cán bộ kỹ thuật của đơn vị phấn khởi nói: “Kết quả hiện nay chỉ là bước đầu đánh dấu hiệu quả của mô hình, để tỉnh có cơ sở phát triển rừng trôm trên diện rộng, nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đồng thời mang lại thu nhập cao cho người dân”.

Đứng trước rừng trôm, cái cảnh khô khốc, gió thổi mang theo luồng khí nóng rát da người mấy chục năm trước không còn nữa. Hy vọng một ngày không xa, không chỉ thôn Phước Lập mà những vùng đất khô cằn khác ở Ninh Thuận sẽ trở thành những rừng trôm xanh rì, mang lại niềm vui mới cho người dân.